Sau đây là những lý do có thể khiến xe của bạn không khởi động được và cách khắc phục:
1. Kiệt ắc-quy: Mức điện áp trong bình không còn đủ khỏe để bộ đề trên xe khởi động động cơ. Tình trạng này thường gặp khi ác-quy đã quá cũ hoặc bạn không sử dụng xe trên vài tháng.
Khi này, nãy tìm cách câu bình ác-quy (từ xe khác hoặc từ bộ sạc), sau đó đợi vài phút rồi khởi động lại xe. Một khi khởi động máy lên được, xe sẽ tự sạc ngược lại cho ác-quy. Tuy nhiên để chắc chắn, bạn có thể thay thế ác-quy mới.
2. Cực điện bị gỉ: Khác với trường hợp trên, ác-quy của bạn có thể vẫn tốt, tuy nhiên vấn đề lại nằm ở cực kết nối. Cụ thể, cực dương (màu đỏ) của ác-quy thường được bọc vật liệu cách điện. Nếu vạch tấm lót này ra, bạn có thể quan sát thấy chất bột màu trắng hoặc xanh lục bao phủ xung quanh.
Đây chính là dấu hiệu của sự ăn mòn, tạo ra bởi cực điện bị quá nhiệt và rò rỉ chất lỏng lâu ngày. Nó thường xảy ra ở các ác-quy loại cũ (ác-quy ướt). Bạn có thể tự xử lý bằng cách ngắt ác-quy ra, sau đó trộn bột baking soda với nước, rồi đổ lên khu vực cực điện bị biến chất. Hoặc tốt nhất nếu có thể, hãy thay thế một cực điện mới để đảm bảo kết nối thông suốt.
3. Lắc vô-lăng: Lỗi này thường xảy ra trên các xe sử dụng chìa khóa cơ. Nếu xe đang tắt máy mà có người cố tình xoay vô-lăng, hệ thống sẽ khóa chặt vô-lăng lại như một tính năng chống trộm.
Đến khi tài xế tra chìa vào ổ, sẽ không thể vặn chìa đến vị trí khởi động được. Hoặc tình trạng này cũng có thể xảy ra nếu tài xế đỗ xe mà không trả thẳng vô-lăng trước khi tắt máy. Và cách xử lý khi gặp trường hợp này cũng rất đơn giản: vừa lắc nhẹ vô-lăng và vừa xoay chìa khóa, ổ khóa sẽ tự xoay đến vị trí mở được.
4. Vệ sinh bu-gi: Bu-gi đánh lửa là một trong những chi tiết có tần suất hoạt động nhiều nhất trên một chiếc xe sử dụng động cơ xăng. Do đó sau một thời gian, chi tiết này có thể bị bám bẩn dẫn đến đánh lửa kém hoặc thậm chí không thể tiếp tục đánh lửa.
Trong trường hợp này, bạn nên tháo bu-gi ra để kiểm tra. Một động cơ thông thường sẽ có 3, 4 hoặc 6 bu-gi, tương ứng với số xi-lanh của máy. Bạn có thể vệ sinh sạch sẽ đầu bu-gi bằng dung dịch xịt như WD-40 hay 3M-5W và gắn trở lại. Hoặc tốt nhất hãy thay mới bu-gi sau mỗi 5 vạn km lăn bánh, để hệ thống đảm bảo vận hành trơn tru và ổn định.
5. Kiểm tra bình nhiên liệu: Đôi khi xe không khởi động được đơn giản là vì bình nhiên liệu đã cạn kiệt và bạn quên đổ xăng (hoặc dầu). Trong trường hợp này thì chỉ có duy nhất một cách giải quyết, đó là bổ sung nhiên liệu cho xe và đảm bảo không để xảy ra trường hợp này thường xuyên.
Bởi nếu thường xuyên rơi vào tình trạng cạn kiệt nhiên liệu, xe có thể bị hỏng bơm xăng. Hoặc nếu bình xăng dầu hay hệ thống ống dẫn bị rỗng, lâu ngày không khí cũng có thể khiến bề mặt bị gỉ và gây ra những hư hại nghiêm trọng cho xe.
6. Thay cốc lọc nhiên liệu: Xe vận hành lâu ngày có thể khiến bộ lọc nhiên liệu bị bám bẩn - tương tự như cốc lọc dầu hay tấm lọc không khí điều hòa. Khi này, dòng nhiên liệu sẽ bị tắc và không thể bơm vào động cơ một cách mượt mà và đầy đủ được, dẫn đến xe có thể không khởi động được.
Để giải quyết vấn đề này, cần thay thế cốc lọc nhiên liệu mới. Trước khi thực hiện, hãy tháo ác-quy để tránh rò điện và chuẩn bị một thùng lớn hoặc xô chậu, đặt bên dưới vị trí cốc lọc để hứng nhiên liệu chảy ra. Sau đó rút ống dẫn rồi để nhiên liệu thừa chảy ra hết. Tiếp theo, tiến hành thay cốc lọc và lắp mọi thứ trở lại như cũ.
7. Củ đề bị hỏng: Củ đề bản chất là một mô-tơ, lấy điện từ ác-quy và làm nhiệm vụ khởi động để động cơ bắt đầu quay. Dấu hiệu của trường hợp này là ác-quy vẫn tốt (không có đèn báo lỗi ác-quy) và hệ thống âm thanh vẫn hoạt động tốt nhưng không thể khởi động.
Hãy kiểm tra lại hệ thống dây dẫn điện nối với củ đề xem có bị lỏng không, hoặc lõi đề đã bị ăn mòn, hay thậm chí là rò rỉ dầu hoặc rơ-le hỏng. Về cơ bản, bạn hoàn toàn có thể lấy búa hoặc cờ-lê gõ nhẹ lên củ đề và cầu may nó hoạt động trở lại. Nếu không, gần như chắc chắn bạn sẽ không thể tự xử lý và phải đưa xe về gara để các kỹ thuật viên chuyên nghiệp "bắt bệnh" và giải quyết vấn đề cho bạn.
8. Kiểm tra máy phát: Một vấn đề có thể khiến ác-quy xe bị kiệt, đó là máy phát không thể tạo ra điện để sạc lại cho ác-quy khi xe chạy. Thường thì bảng táp-lô sẽ hiển thị đèn báo lỗi ác-quy trước khi bình điện bị cạn, hoặc hệ thống đèn chiếu sáng bất ngờ bị nhấp nháy và chỉ sáng khi bạn đạp ga còn nếu buông ga thì sẽ lập tức giảm ánh sáng.
Nếu gặp vấn đề này, chắc chắn bạn sẽ phải tìm đến gara với các dịch vụ sửa chữa chuyên nghiệp để đảm bảo vấn đề được xử lý nhanh và chính xác nhất có thể.
9. Kiểm tra hộp cầu chì và rơ-le: Đóng nhiệm vụ tránh đoản mạch, hộp này thường nằm dưới nắp ca-pô, trong khoang động cơ hoặc dưới tay lái và được đậy nắp cẩn thận. Nếu cầu chì nào bị quá mạch, thanh kim loại bên trong sẽ bị gãy hoặc chảy và có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường.
Khi phát hiện cầu chì nào bị cháy, bạn có thể dễ dàng tự thay thế chúng một cách dễ dàng. Các nhà sản xuất thường đính kèm sơ đồ điện cũng như dụng cụ tháo mở cầu chì và một vài cầu chì thay thế ngay bên trong nắp hộp. Hãy lưu ý thay loại cầu chì đúng định mức để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử thay rơ-le bơm nhiên liệu. Đây là một chi tiết có thể thường xuyên hỏng hóc và cũng nằm cùng vị trí trong hộp cầu chì.
10. Kiểm tra bơm nhiên liệu: Những dấu hiệu thường gặp khi hỏng bơm nhiên liệu là xe bỗng nhiên bị rung hoặc chân ga hay bị giật hoặc cảm giác mất ga (đạp ga nhưng vòng tua máy không lên dù động cơ vẫn hoạt động), hoặc có tiếng động lạ vọng lên từ bình nhiên liệu.
Dù vấn đề đến từ đâu, bạn cũng nên mang ngay xe đến gara gần nhất để tiến hành kiểm tra và sửa chữa, thay vì cố di chuyển thêm hoặc tự sửa tại nhà. Theo các chuyên gia, bơm nhiên liệu có thể gặp vấn đề và nên được thay thế khi xe đã vượt qua ngưỡng ODO 15 vạn km.
(Nguồn: https://vov.vn/o-to-xe-may/tu-van/10-cach-khac-phuc-khi-xe-o-to-khong-khoi-dong-duoc-post1096910.vov)